Thị trường bất động sản Nghệ An đã trải qua một năm đầy thăng trầm, hết “nóng sốt” rồi rơi vào trạng thái “cảm lạnh”, cả người mua lẫn doanh nghiệp đều gặp khó bởi chính sách về siết chặt nguồn vốn vào thị trường BĐS, chính sách thuế ngăn chặn chuyển nhượng 2 giá…
Năm 2022, hết “nóng sốt” rồi rơi vào “cảm lạnh”
Ngay từ những ngày đầu năm 2022, thị trường bất động sản (BĐS) ở Nghệ An đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ sau quãng thời gian dài chống chịu bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, kể từ giữa quý II đến nay, thị trường BĐS nơi đây đã có dấu hiệu của sự “cảm lạnh”.
Còn nhớ, cuối năm 2021, đầu năm 2022, khi dịch COVID-19 bắt đầu lắng xuống cũng là lúc “sốt đất” xảy ra rầm rộ ở Nghệ An cũng như trên cả nước. Hầu hết các tỉnh, thành phố đều xảy ra “sốt đất” ở nhiều mức độ khác nhau.
Nguyên nhân chính được cho là do tác động của dịch COVID-19. Việc mọi ngành nghề sản xuất kinh doanh và dịch vụ trên phạm vi cả nước lâm vào khó khăn trên diện rộng khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lưu chuyển hàng hóa bị đình trệ, sức mua giảm sút… Cùng với đó, nguồn tiền rẻ, kết quả của chính sách mở rộng tín dụng, giảm lãi suất khiến các nhà đầu tư đổ xô đi tìm kiếm kênh đầu tư khả quan. Do đó, chứng khoán và BĐS là hai kênh đầu tư được quan tâm lựa chọn, gần như tách rời hẳn với các hoạt động kinh doanh thực tế.
Bên cạnh đó, việc đô thị hóa cùng với nhu cầu về nhà ở, nhà xưởng sản xuất, nghỉ dưỡng, văn phòng… tăng cao trong khi diện tích đất hữu hạn khiến giá đất không ngừng tăng lên. Cộng với các dự án quy hoạch hạ tầng, đường sá ngày càng thuận tiện, đất đai ngày càng tích lũy thêm giá trị nội tại.
Lợi dụng quy luật tăng giá hiển nhiên của đất đai với vai trò là một yếu tố sản xuất cơ bản, nhiều cá nhân, tổ chức đã nắm bắt tâm lý người tiêu dùng, nhà đầu tư, “cò đất” đã đưa ra những thông tin về quy hoạch để “thổi giá”, “đẩy giá” đất đai lên mức bất thường, thu lợi nhuận khổng lồ.
Tuy nhiên, khi nguồn cung không phù hợp với nhu cầu sử dụng thực, cùng các chính sách về siết chặt nguồn vốn vào thị trường BĐS, chính sách thuế ngăn chặn chuyển nhượng 2 giá… đã kéo theo bức tranh thị trường nhuốm màu “ảm đạm” phần còn lại của năm 2022.
Các doanh nghiệp BĐS đang trong cơn quay cuồng của dòng vốn cùng những khó khăn hiện hữu, còn người mua nhà cũng trì hoãn kế hoạch mua nhà trong năm vì lãi suất tăng cao cũng như tín dụng cho vay mua nhà bị siết chặt. Mặt bằng nói chung là “đóng băng” từ giữa quý II/2022 đến nay. Hiện, tâm lý e dè của nhà đầu tư đang còn bao trùm thị trường BĐS nơi đây.
Có ‘lóe sáng’ trong năm 2023?
Thời gian gần đây, nhiều dự án BĐS lớn được chấp thuận chủ trương đầu tư ở nhiều huyện, thành thị trong tỉnh Nghệ An như Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Đô Lương, Nam Đàn, Thái Hoà, Anh Sơn hay các dự án lớn ở TP. Vinh như Ecopark, Vingroup, Him Lam – Trống Đồng… đang tái khởi động và rục rịch rao bán, quảng bá dự án.
Bên cạnh đó, một số dự án giao thông trọng điểm đang được gấp rút triển khai có thể kể đến là cung đường ven biển 83km từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Hà Tĩnh; đường giao thông nối từ Quốc lộ 7C (Đô Lương) đến đường Hồ Chí Minh (Tân Kỳ)… Theo quy hoạch, tuyến đường cao tốc Hà Nội – Vinh dự kiến đi vào khai thác cũng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội tới Vinh.
Nghệ An cũng đã đưa dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh (10.700 tỷ đồng); xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò (3.300 tỷ đồng) vào dự án trọng điểm của tỉnh trong năm 2023; xây dựng cao tốc Hà Nội – Viên Chăn (đi qua Nghệ An)…
Cùng với đó, trong định hướng phát triển TP. Vinh trở thành trung tâm kinh tế Bắc Trung Bộ, thành phố này sẽ được mở rộng lên hơn gấp đôi hiện tại (với ý tưởng sáp nhập toàn bộ thị xã Cửa Lò và 9 xã thuộc huyện Nghi Lộc). Điều này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, gia tăng số lượng lao động, chuyên gia chất lượng cao trong và ngoài nước đến đây sinh sống, làm việc. Từ đó, kéo theo nhu cầu lớn về nhà ở, BĐS thương mại, nghỉ dưỡng…
Anh Nguyễn Huy Hoàng (một nhà đầu tư BĐS ở Nghệ An) cho hay, mặc dù “cơn sốt” đất đã qua đi, giao dịch ít hơn rất nhiều so với đầu năm 2022, nhưng giá đất nền ở nông thôn hay thành thị vẫn không có dấu hiệu giảm giá sau thời gian được đẩy lên quá cao.
Theo anh Hoàng, những người vay ngân hàng để lướt sóng thì cũng đã mất cọc hoặc đã bán cắt lỗ, chỉ còn những người có tiền dư dôi thì mới để lại. “Tôi tin rằng, thị trường BĐS ở Nghệ An sẽ bắt đầu ấm dần từ quý 2 năm nay, bởi hiện nay, Nghệ An thu hút được rất nhiều dự án lớn, ở đâu có dự án thực đi qua giá đất nó sẽ còn nhảy lên”, anh Hoàng nói.
Chia sẻ với Nhadautu.vn, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho hay, thị trường BĐS Nghệ An đang có dấu hiệu tốt bởi vì có các “đại bàng” về đây làm tổ, mà “đại bàng” về làm tổ thì hay sinh ra quả trứng vàng, nó sẽ tạo ra động lực lan toả, tạo ra kích thích phát triển kinh tế, nhất là tạo ra bộ mặt đô thị khang trang, hiện đại và nhộn nhịp hơn. Những con “đại bàng” này vào sẽ tạo ra những giá trị khác biệt của BĐS nơi đây.
Năm 2023, thị trường BĐS cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng sẽ có “điểm sáng”, vì ngân hàng sẽ nới room tín dụng, nó sẽ tạo ra cú hích, đặc biệt là đối với những dự án gần đủ điều kiện ra thị trường có thể sẽ được tiếp cận thêm với dòng vốn đó để thúc đẩy tốt hơn nguồn cung cho thị trường, TS. Nguyễn Văn Đính nhận định.
“Theo tôi, phân khúc nhà ở có nhu cầu sử dụng thực, có thể khai thác kinh doanh một cách tốt, nằm ở những khu vực có sự phát triển kinh tế mạnh và có hạ tầng đã được đầu tư một cách đồng bộ, bài bản thì sẽ được quan tâm, và hút được các dòng tiền đổ vào đấy, thanh khoản sẽ tốt hơn, và thị trường sẽ ấm hơn”, TS. Nguyễn Văn Đính nói.
Theo Nhadautu