Có những “nhà đầu tư” chấp nhận “bỏ cọc” sau khi được công nhận trúng đấu giá đất. Trong khi đó, nhu cầu thực sự về đất ở của người dân địa phương ngay gần xung quanh khu quy hoạch phân lô, bán nền lại không thể “với” tới vì quá bất ngờ trước những diễn biến bất thường của thị trường bất động sản (BĐS) trong thời gian gần đây.
Giao dịch bất động sản chững lại
Khác thường so với thời điểm những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 với sự sôi động của thị trường BĐS đất nền với các giao dịch mua – bán nhanh chóng, giá cả “leo thang” từng ngày thì hiện nay lại có xu hướng chững lại ở tất cả các phân khúc khác nhau.
Nếu như vào thời điểm đầu năm 2022, nhiều nhà đầu tư dễ dàng “lướt sóng” thu về một khoản lợi nhuận lớn từ BĐS thì nay để làm được điều đó không hề đơn giản, thậm chí rao bán để cắt lỗ cũng không xong. Ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, các giao dịch BĐS cũng đang có xu hướng chậm lại và giá cả không tăng phi mã như thời điểm trước.
Đáng quan tâm, ở thị trường BĐS đấu giá quyền sử dụng đất ngay tại các khu vực phân lô theo quy hoạch mà nhà nước thông báo cũng xảy ra tình trạng dè dặt, thậm chí thông báo công khai đấu giá hàng chục lô đất nhưng kết thúc phiên giao dịch chỉ tìm được vài chủ đầu tư.
“Giá khởi điểm mà nhà nước đưa quá cao, gần như sát với thị trường BĐS tại thời điểm thông báo nên chúng tôi không thể trả thêm các bước giá cao hơn được. Đặc biệt, tại nhiều vị trí đất khó sinh lời, vùng nông thôn nhưng giá khởi điểm gần như tương đương với đất ở đô thị khiến khách hàng chấp nhận cảnh đến nhìn rồi ra về. Thậm chí, nhiều người phải chấp nhận bỏ cọc số tiền không hề nhỏ dù đã được công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất” – anh Sỹ Việt, trú ở TP. Vinh, một người có thâm niên nhiều năm tham gia các phiên đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn Nghệ An cho biết.
Còn qua theo dõi tại một group mạng xã hội liên quan đến mua – bán quyền sử dụng đất ở Nghệ An với hàng trăm nghìn người tham gia, phóng viên ghi nhận xu hướng rao bán BĐS để cắt lỗ diễn ra liên tục trong thời gian gần đây. Nếu như một lô đất ở khu vực ngoại thành TP. Vinh như Nghi Liên, Nghi Ân, Nghi Đức…giá bán vào thời điểm những tháng đầu năm 2022 có thể lên tới 20 triệu đồng/m2 thì nay nhiều nhà đầu tư có thể “đại hạ giá” khoảng 15 đến 16 triệu đồng/m2. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thị trường BĐS ở khu vực Nghệ An đang “giảm nhiệt” rất mạnh.
Một số tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… thị trường giao dịch mua bán, chuyển nhượng đất nền cũng đang có chiều hướng giảm xuống, không còn sôi động như những tháng đầu năm 2022. Trong khi đó, ở khu vực này, đất nền dự án giảm lượng quan tâm nhưng giá liên tục tăng, có chăng chỉ là giảm ở những lô đất mà nhà đầu tư muốn cắt nhanh, rút gọn để bảo toàn nguồn tài chính của mình vào những dự án khác…
Người dân có nhu cầu thực khó “với“ tới
Trước nhiều diễn biến lạ của thị trường đất nền với các “cơn sốt đất ảo” xảy ra vào năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 đang khiến người dân có nhu cầu sử dụng thực sự lại không thể tham gia vào các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ngay chính nơi mình đang sinh sống bao đời nay.
Trong khi đó, tại nhiều phiên sau khi tổ chức đấu giá công khai lại xuất hiện tình trạng bỏ cọc khiến cơ quan chức năng phải ra quyết định huỷ bỏ kết quả trúng đấu giá. Thiếu tìm hiểu, nắm bắt thông tin về thị trường bất động sản, các giải pháp nhằm cắt cơn “sốt đất ảo” được cơ quan chức năng siết chặt quản lý cũng khiến tâm lý dè dặt, sợ lỗ sau khi nộp tiền cấp quyền sử dụng đất cũng khiến nhiều nhà đầu tư chấp nhận bỏ cọc hàng tỷ đồng…
Đơn cử vào ngày 24/5/2022, UBND huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 1467/QĐ-UBND về việc hủy bỏ kết quả trúng đấu giá và thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền đặt cọc của khách hàng tham gia đấu giá quyền sử dụng đất tại vùng quy hoạch dân cư các xã Diễn Vạn, Diễn Đồng, Diễn Phúc, Diễn Bích, Diễn Mỹ. Qua đó, có 73 lô đất bị hủy bỏ kết quả, với số tiền thu nộp cho ngân sách 15,712 tỷ đồng do các hộ gia đình, cá nhân được công nhận kết quả trúng đấu giá nhưng không nộp tiền, nộp không đủ tiền sử dụng đất đúng hạn theo quy định hiện hành.
Hay như trước đó, ngày 4/3/2022, Công ty đấu giá hợp danh Quốc tế – IPA công bố kết quả đấu giá 26 lô đất ở tại khối 4, thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn – Nghệ An). Theo đó, 20/26 lô đất đã được đấu giá thành công và danh sách trúng đấu giá được công bố đồng thời.
Tuy nhiên, sau khi UBND huyện Kỳ Sơn ban hành Quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá và chờ hoàn tất các thủ tục để trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người trúng đấu giá thì chủ nhân các lô đất bỗng đồng loạt xin “rút lui” một cách khó hiểu.
Theo một giám đốc Công ty đấu giá hợp danh ở Nghệ An cho biết, khác với thời điểm cuối năm 2021 và quý I năm 2022, mỗi phiên giao dịch đấu giá quyền sử dụng đất đều ghi nhận hàng trăm hồ sơ đặt cọc tham gia đồng nghĩa với các lô đất nền cũng sớm chốt được chủ nhân nhưng nay thông báo tới lần thứ 3, thứ 4 vẫn rất ít khách hàng tham gia. Có rất nhiều nguyên nhân khiến tình trạng này xảy ra trong thời gian gần đây trong đó có việc xây dựng giá khởi điểm cho từng lô đất quá cao, thậm chí tăng vọt so với thực tế thị trường…
“Áp giá khởi điểm để đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất nền sát với thị trường BĐS thời điểm đó sẽ giúp Nhà nước giảm được tình trạng thất thu ngân sách. Tuy nhiên, tình trạng khách hàng là nhà đầu tư mua hồ sơ đấu giá với mục đích đầu cơ đất nhưng sau khi bỏ giá “trên trời” rồi đồng loạt bỏ cọc cũng khiến thị trường BĐS bị xáo trộn. Trong khi đó, nhu cầu ở thực sự của người dân địa phương lại khó có thể mơ ước tới đang là nghịch cảnh trong giai đoạn hiện nay” – giám đốc một công ty đấu giá hợp danh ở Nghệ An cho biết.
Theo Baotainguyenmoitruong