UBND tỉnh vừa có Quyết định số 2156/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp quản lý dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Quy chế này quy định về nguyên tắc, phương thức, nội dung phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác theo dõi, báo cáo tình hình thực hiện, kiểm tra và xử lý sau kiểm tra dự án đầu tư trên địa bàn.
Trong đó, đối với nội dung công tác kiểm tra dự án đầu tư: UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tiến độ thực hiện dự án, việc chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động đầu tư, trừ các dự án thuộc thẩm quyền cấp huyện giao đất, cho thuê đất.
UBND cấp huyện chủ trì, kiểm tra các dự án thuộc thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của UBND cấp huyện theo quy định của pháp luật về đất đai (trừ các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh mà chưa được giao đất, cho thuê đất). Việc kiểm tra, xử lý dự án do UBND cấp huyện chủ trì thực hiện theo quy định tại Điều 12 Quy chế này.
Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện kiểm tra các dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành, trừ các dự án quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 7 trong Quy chế.
Trước ngày 15/12 hàng năm, các cơ quan, đơn vị lập danh mục các dự án cần kiểm tra trong năm tiếp theo, gửi Sở KH&ĐT. Trên cơ sở danh mục dự án do UBND cấp huyện và các sở, ngành cung cấp, Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập kế hoạch kiểm tra kèm danh mục các dự án kiểm tra, lấy ý kiến của Thanh tra tỉnh để tránh trùng lặp, chồng chéo trong quá trình kiểm tra và báo cáo, trình UBND tỉnh trước ngày 15/3 hàng năm. Trong đó, danh mục dự án kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành chủ yếu tập trung vào các dự án chậm tiến độ đã được các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra nhưng chưa hoàn thành theo tiến độ, dự án đã được điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, dự án có ý kiến phản ánh của dư luận, cử tri, dự án đầu tư tại các trục, tuyến đường chính, dự án được UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra.
Đối với các dự án không đưa vào kế hoạch kiểm tra của đoàn liên ngành, trên cơ sở kết quả rà soát, báo cáo tham mưu của Sở KH&ĐT, UBND tỉnh phân công cho các cơ quan quản lý chuyên ngành, UBND cấp huyện hoặc các cơ quan có liên quan kiểm tra, báo cáo.
Đối với các dự án đầu tư đã được kiểm tra của các đoàn kiểm tra nhưng nhà đầu tư có nhu cầu điều chỉnh chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án, Sở KH&ĐT có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan. Trong quá trình lấy ý kiến, cơ quan được lấy ý kiến theo chức năng, nhiệm vụ chủ động kiểm tra (nếu cần thiết), xem xét các nội dung theo lĩnh vực quản lý, sau kiểm tra có văn bản gửi Sở KH&ĐT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Quy chế này không áp dụng đối với những dự án thực hiện theo Luật Đầu tư công ngày 13/6/2019; Dự án đầu tư theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) ngày 18/6/2020; Dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật về đầu tư; Dự án đầu tư trong Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp; Dự án trong Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ.
Theo Doanhnghieptiepthi