Sức ép đẩy tín dụng ra nền kinh tế khiến nhiều ngân hàng thương mại đưa ra các mức lãi suất cho vay hấp dẫn với người mua nhà. Theo các chuyên gia, để tín dụng bất động sản chảy mạnh trở lại, lãi suất cho vay cần giảm thêm.
Nhiều ngân hàng “mồi” lãi vay mua nhà siêu thấp
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành lần thứ tư vào đầu tuần này, hàng loạt ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động và rục rịch giảm lãi suất cho vay. Trước đó, nhiều ngân hàng cũng chào mời các gói vay với lãi suất hấp dẫn dành cho bất động sản. Đơn cử, MSB chào mời vay mua nhà thổ cư với mức lãi suất từ 4,99%/năm, Shinhan Bank cho vay mua nhà với lãi suất 7,99%/năm, TPBank cho vay với lãi suất 8%/năm…
Tuy nhiên, đây chỉ là lãi suất “mồi” để kích khách hàng. Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư, mức lãi suất dưới 10%/năm chỉ áp dụng trong 3 – 6 tháng, cao nhất là 1 năm. Sau đó, hầu hết các ngân hàng đều áp dụng lãi suất thả nổi, phổ biến ở mức 12 – 13,5%.
Theo NHNN, tính đến hết tháng 5/2023, tín dụng toàn ngành kinh tế tăng 3,17%. Trước đó, tính đến ngày 25/4/2023, tín dụng toàn ngành tăng 2,75% so với cuối năm 2022, trong đó, tín dụng bất động sản tăng 3,51%.
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) kỳ vọng, việc NHNN hạ lãi suất lần thứ 4 sẽ giúp lãi suất cho vay mua nhà dần hạ nhiệt, từ đó tác động tích cực tới tín dụng mua nhà và thanh khoản thị trường bất động sản.
Theo các chuyên gia kinh tế, khi chính sách hỗ trợ thực sự “ngấm” (lãi suất rẻ, giãn nợ trái phiếu, tái cơ cấu nợ, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng…), thị trường sẽ sớm hồi phục trở lại.
Tìm cách đẩy vốn ra nền kinh tế
Tìm cách đẩy vốn ra nền kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại là một trong những bài toán khó của Chính phủ và NHNN. Đầu tuần này (19/6), Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì Hội nghị giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế với sự tham dự của lãnh đạo NHNN, các bộ, ngành, đại diện 10 ngân hàng thương mại giữ nguồn vốn chi phối và 5 hiệp hội ngành nghề.
“Tín dụng bất động sản mới chiếm khoảng 20% tổng dư nợ toàn hệ thống, cơ cấu cho vay lành mạnh (65% cho vay người dân mua nhà, sửa nhà; 35% cho vay kinh doanh bất động sản). Chính vì vậy, các ngân hàng hoàn toàn có thêm dư địa mở rộng tín dụng bất động sản. Theo tôi, với việc lãi suất huy động, cho vay liên tiếp giảm và các chính sách hỗ trợ dần đi vào cuộc sống, thị trường bất động sản sẽ phục hồi rõ nét hơn từ cuối năm nay” – TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia
Trước tình hình tín dụng tăng chậm, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, ngành ngân hàng cũng đang tìm cách để đẩy vốn ra nền kinh tế trong bối cảnh hệ thống vẫn phải duy trì hoạt động huy động vốn, phải trả lãi cho người gửi tiền.
Được biết, mới đây, NHNN đã có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận tín dụng khi đáp ứng đầy đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định; tập trung nguồn đối với dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển.
Đồng thời, xem xét cấp tín dụng đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường bất động sản; chủ động kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, mục đích sử dụng vốn vay, thu nợ đầy đủ, đúng hạn. Đẩy mạnh cho vay người mua nhà, thu nợ người bán nhà trong cùng một dự án.
Theo các chuyên gia kinh tế, tín dụng bất động sản không xấu. Nếu rót vào đúng phân khúc nhu cầu thực, tín dụng bất động sản tăng mạnh sẽ lan tỏa hơi ấm ra toàn thị trường, toàn bộ nền kinh tế.
TS. Châu Đình Linh, chuyên gia kinh tế cho rằng, đóng góp của ngành bất động sản với tăng trưởng kinh tế ở nước ta là rất lớn. Do đó, sự hỗ trợ với thị trường bất động sản lúc này là cần thiết để giúp thị trường phục hồi, bao gồm cả chính sách về vốn, tín dụng.
Trước mắt, khó khăn của thị trường bất động sản còn rất lớn. Tuy vậy, lãi suất giảm sẽ tiếp sức cho thị trường, giúp đầu tư bất động sản quay trở lại.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), kỳ vọng, lãi vay rẻ sẽ giúp doanh nghiệp tự tin hơn trong thực hiện các dự án mới và giúp người mua nhà có thêm động lực vay vốn mua nhà. Tất nhiên, theo ông Châu, tín dụng bất động sản thời gian tới sẽ không còn dễ dãi mà sẽ được được giám sát chặt để “nắn” vào các phân khúc ưu tiên, tránh tình trạng bong bóng thời gian qua.
Theo Báo đầu tư