Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Hà Tĩnh vừa mở thầu qua mạng 3 dự án bất động sản quy mô hàng trăm tỷ đồng. Mỗi dự án chỉ có một nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện.
Tại Dự án Khu dân cư phía Đông đường Trần Khánh Dư, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ngãi cho biết, nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện là Liên danh Công ty CP Anh Việt Mỹ – Công ty TNHH MTV Xây dựng Thương mại Dịch vụ Khánh Trung (địa chỉ tại Quảng Ngãi). Dự án có tổng diện tích đất sử dụng là 73.912 m2 tại xã Nghĩa Dõng và phường Nghĩa Chánh, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, bao gồm đất xây dựng nhà ở thương mại, đất ở liên kế, đất ở tái định cư, đất ở xã hội và đất xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Tổng chi phí thực hiện dự kiến 122,304 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của Dự án là 49 năm, thời gian thực hiện Dự án là 5 năm. Dự án dự kiến được đóng/mở thầu ngày 15/8/2022 nhưng đã được gia hạn đến hết ngày 31/8/2022 để tăng tính cạnh tranh.
Tại Thanh Hóa, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này cho biết, nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án Khu dân cư trung tâm Minh Thọ (giai đoạn 4), huyện Nông Cống là Công ty CP Tập đoàn Việt Hưng (địa chỉ tại TP. Thanh Hóa). Dự án có tổng diện tích đất sử dụng 48.042 m2, được thực hiện tại thị trấn Nông Cống, huyện Nông Cống. Tổng chi phí thực hiện Dự án là 378,696 tỷ đồng. Mục tiêu là đầu tư xây dựng hoàn thiện công trình hạ tầng kỹ thuật gồm các hạng mục san nền, đường giao thông, cấp – thoát nước, cấp điện, điện chiếu sáng, cây xanh, phòng cháy chữa cháy, đầu tư xây dựng phần thô và hoàn thiện mặt trước các công trình nhà ở liền kề. Thời hạn hoạt động của Dự án là 50 năm, thời gian đầu tư xây dựng là 3 năm, dự kiến Dự án sẽ hoàn thành vào quý II/2025.
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong năm 2021, có 90 dự án đầu tư có sử dụng đất đã xác định được hình thức lựa chọn nhà đầu tư thì chỉ có 26 dự án áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi.
Tương tự, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Dự án Khu đô thị Thạch Quý, phường Thạch Quý, TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh chỉ có một nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện là Công ty CP Đầu tư Skyland – Group (địa chỉ tại TP. Hà Tĩnh). Dự án sẽ xây dựng khu nhà ở, khu nhà văn phòng, thương mại dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật trên diện tích khoảng 101.863 m2, tổng chi phí thực hiện dự kiến 278,525 tỷ đồng. Thời gian đầu tư xây dựng Dự án là 36 tháng. Theo kế hoạch, Dự án đóng thầu vào ngày 10/7/2022 nhưng sau đó đã được gia hạn đến ngày 30/8/2022 để thu hút thêm nhà đầu tư.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ của một sở kế hoạch và đầu tư cho biết, vài năm trở lại đây, hầu hết các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn chỉ có một nhà đầu tư quan tâm, nộp hồ sơ đăng ký thực hiện. Theo quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP, địa phương áp dụng thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư đối với các dự án có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm.
Theo tìm hiểu, tình trạng dự án đầu tư có sử dụng đất chỉ có một nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện rồi “rộng cửa” trúng thầu đang khá phổ biến. Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong năm 2021, có 90 dự án đầu tư có sử dụng đất đã xác định được hình thức lựa chọn nhà đầu tư thì chỉ có 26 dự án áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi với tổng số vốn huy động khoảng 12.157 tỷ đồng; 64 dự án áp dụng thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư do chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án. Tổng số vốn huy động của 64 dự án này khoảng 59.425,39 tỷ đồng, tổng diện tích đất của các dự án khoảng 1.433,88 ha.
Một chuyên gia về đầu tư cho biết, hầu hết các dự án đầu tư có sử dụng đất đã được nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu nhiều năm trước khi dự án đó được cơ quan chức năng công bố danh mục và kêu gọi đầu tư. Chi phí, thời gian để nhà đầu tư đặt “nền móng” cho một dự án bất động sản là không nhỏ. Hơn nữa, nhà đầu tư thực sự muốn tham gia đầu tư một dự án bất động sản phải chuẩn bị kế hoạch sớm và đã sẵn sàng tiềm lực tài chính để thực hiện (về cơ bản khác với nhà thầu), nên hầu hết các nhà đầu tư sẽ ngại “chen ngang” vào một dự án đã ngầm được hiểu là của nhà đầu tư khác. Đó là lý do khiến tính cạnh tranh ở các dự án đầu tư có sử dụng đất thường thấp.
Theo Baodauthau