Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị dự án Luật Đất đai sửa đổi phải bổ sung các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nhưng phải đảm bảo tính tổng thể, chiến lược lâu dài, tuyệt đối tránh hợp thức hóa các vi phạm hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Ngày 22/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai sửa đổi.
Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết sau gần 8 năm tổ chức thi hành, Luật Đất đai năm 2013 đã tạo ra hành lang pháp lý cho việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, hiệu quả sử dụng đất, tài chính đất đai. Vi phạm về đất đai còn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc nghiêm trọng, phải xử lý hình sự, chưa đảm bảo hài hòa quyền lợi của người dân bị thu hồi đất, nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ.
Tại cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cần rà soát các luật liên quan đến Luật Đất đai và xử lý như thế nào trong trường hợp có sự khác nhau giữa Luật Đất đai với luật khác, xác định thứ tự ưu tiên, nguyên tắc áp dụng pháp luật như thế nào để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Cho biết dự thảo Luật có đến 80/240 điều có quy định giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị xem xét luật hóa tối đa các quy định và giảm bớt các điều giao Chính phủ hướng dẫn để đảm bảo tính cụ thể, tính minh bạch của luật.
Nêu rõ thu hồi đất là một chế định quan trọng trong Luật Đất đai, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng cần phải quy định chặt chẽ nội dung này, thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết 18 để đảm bảo tính minh bạch.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để quy định chặt chẽ hơn về nội dung này. Trong đó lưu ý nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể, tiêu chí cụ thể Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 18; rà soát kỹ lưỡng các trường hợp thu hồi đất để đảm bảo tính chính xác và phù hợp tránh việc lạm dụng trong thực tiễn.
Đưa ra ý kiến góp ý hoàn thiện dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Phú Cường chỉ ra nhiều điều khoản trong phần giải thích từ ngữ vẫn chưa được tường minh, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu thêm. Cụ thể, tại khoản 3, Điều 3 có giải thích: “Bản đồ quy hoạch sử dụng đất là bản đồ được lập tại thời điểm đầu kỳ quy hoạch, thể hiện sự phân bổ các loại đất tại thời điểm cuối kỳ của quy hoạch đó”. Chủ nhiệm Ủy ban đề nghị sửa từ “tại thời điểm” bằng từ “đến”.
Hay tại khoản 25, Điều 3 có giải thích: “Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất và có thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối, không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị xã hội khác hộ gia đình”. Ủy ban đề nghị rà soát lại khái niệm này, nếu giải thích như vậy sẽ rất khó khi thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư.
Bên cạnh đó, tại khoản 27, Điều 3 có giải thích: “Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.” Ủy ban đề nghị bổ sung giải thích này và ghi rõ đây là những hành vi không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định việc xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ trọng tâm của công tác pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Theo Chủ tịch Quốc hội, kết quả cuối cùng của quá trình xây dựng, thông qua Luật Đất đai là ví dụ sinh động nhất để đánh giá năng lực xây dựng pháp luật của Chính phủ, Quốc hội, các tổ chức, cơ quan hữu quan, đánh giá năng lực thể chế hóa chủ trương của Đảng vào chính sách, pháp luật của Nhà nước; đánh giá năng lực kiến tạo phát triển; năng lực tháo gỡ vướng mắc khó khăn trước đây và không phát sinh khó khăn, vướng mắc mới; năng lực thể hiện tính công khai, minh bạch trong xây dựng pháp luật.
“Đây cũng là ví dụ sinh động nhất thể hiện chúng ta thực hiện tốt chủ trương của Trung ương Đảng trong việc chống tiêu cực, cài cắm lợi ích trong công tác xây dựng pháp luật”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý những vấn đề đặt ra nhưng chưa đủ độ chín, chưa đúng với tinh thần nghị quyết Trung ương tuyệt đối không đưa vào dự thảo luật, mà chỉ cụ thể hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ và có quyết sách của Trung ương.
Về quan điểm xây dựng luật, ngoài quan điểm đã nêu trong dự án luật, tờ trình, báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung vào dự án Luật Đất đai sửa đổi và các dự án luật khác bảo đảm nguyên tắc nhất quán trên cơ sở kế thừa các quy định mang tính chất ổn định về pháp luật đất đai qua các thời kỳ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, vận hành thông suốt và được Trung ương khẳng định.
Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nhưng phải đảm bảo tính tổng thể, chiến lược lâu dài, tuyệt đối tránh hợp thức hóa các vi phạm hiện nay. Cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ lưỡng, trên tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của từng chủ thể. Trong quá trình xây dựng luật cần tách bạch quan hệ đất đai mang tính chất công với quan hệ đất đai mang tính chất tư.
Về vấn đề giá đất và cơ chế tài chính về đất đai, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là vấn đề khó nhất, quy định làm sao để vận hành trong thực tế. Việc bỏ khung giá đất nhưng vẫn có bảng giá đất, vai trò của HĐND, UBND, cơ quan tham mưu, cơ quan tư vấn trong việc định giá đất như thế nào… cần được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng.
Theo Vietnamfinance