Trong Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh vừa phê duyệt, khu vực đô thị được định hướng phát triển theo 3 trung tâm và 3 trục chính.
Theo Quyết định số 1363 về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký ngày 8/11/2022, mục tiêu về đô thị của tỉnh Hà Tĩnh sẽ đạt tỷ lệ đô thị hóa 45% và hạ tầng các đô thị được đầu tư đồng bộ, hình thành các đô thị thông minh.
Về định hướng, tỉnh Hà Tĩnh sẽ phát triển với 3 trung tâm đô thị gồm Trung tâm đô thị xung quanh TP. Hà Tĩnh, trong đó TP. Hà Tĩnh là hạt nhân và các đô thị vệ tinh kết nối TP. Hà Tĩnh, gồm thị trấn Thạch Hà, thị trấn Cẩm Xuyên và thị trấn Lộc Hà.
Trung tâm đô thị phía Bắc là thị xã Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Tiên Điền, thị trấn Xuân An, đô thị mới Nghi Xuân và vùng phụ cận; trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là thị xã Kỳ Anh gắn với Khu kinh tế Vũng Áng và vùng phụ cận.
Đối với phương án phát triển đô thị, đến năm 2030, tỉnh Hà Tĩnh có 2 đô thị loại II gồm TP. Hà Tĩnh và TP. Kỳ Anh (dự kiến trở thành thành phố vào năm 2025), 2 đô thị loại III, 12 đô thị loại IV và các đô thị loại V.
Các đô thị dự kiến được hình thành vào năm 2025 gồm Kỳ Đồng, Xuân Thành, Cường Gián, đô thị trong các khu kinh tế (loại V); Nghi Xuân (loại IV).
13 đô thị loại V hình thành trong năm 2030 gồm Kỳ Phong (Voi), Kỳ Trung, Kỳ Xuân, Kỳ Lâm, Hương Trà, Phúc Đồng, La Khê, Nầm, Nước Suốt, Tam Đồng (Ngã tư Trổ), Lạc Thiện, Đức Đồng, Việt Tiến.
Không gian phát triển đô thị của tỉnh Hà Tĩnh cũng được phân theo 3 trục chính; theo đó, chuỗi đô thị dọc theo Quốc lộ 1 và đường ven biển gồm các đô thị hạt nhân là TP Hà Tĩnh, TP. Kỳ Anh và thị xã Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Xuân An, thị trấn Tiên Điền, Nghi Xuân và vùng phụ cận; nghiên cứu mở rộng không gian đô thị và địa giới hành chính thành phố Hà Tĩnh để đảm bảo điều kiện phát triển thành một trong những đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung bộ.
Chuỗi đô thị dọc theo Quốc lộ 8 gồm các đô thị động lực Nước Sốt, Tây Sơn, Phố Châu, Nầm, Đức Thọ, Lạc Thiện, Tam Đồng, Hồng Lĩnh, Xuân An, Tiên Điền, Nghi Xuân; trong đó thị xã Hồng Lĩnh là đô thị hạt nhân, gắn với thị trấn Xuân An, Tiên Điền, Nghi Xuân và vùng phụ cận để trở thành thành phố phía Bắc của tỉnh sau năm 2030.
Ngoài ra, chuỗi đô thị dọc đường Hồ Chí Minh gồm Phố Châu, Vũ Quang, Phúc Đồng, Hương Khê, Hương Trà, La Khê, Tây Sơn.
Về hạ tầng đô thị, tỉnh Hà Tĩnh được giao thực hiện 5 dự án gồm Tiểu Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Thạch Hà, huyện Thạch Hà và Tiểu Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Hương Khê, huyện Hương Khê (thuộc Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ); Dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực – Tiểu dự án đô thị Kỳ Anh; Dự án Cải thiện hạ tầng đô thị Hương Khê (huyện Hương Khê); Dự án Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu TP. Hà Tĩnh Trang.
Đối với các dự án về đô thị, du lịch, thể thao; tỉnh Hà Tĩnh được phê duyệt 13 dự án ưu tiên bao gồm Trung tâm dịch vụ thể thao giải trí đua chó có kinh doanh đặt cược (xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân); bảo tàng biển (huyện Lộc Hà và Nghi Xuân); Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng và thể thao Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh); Khu thương mại, dịch vụ, du lịch và thể thao phía Tây Nam của huyện Thạch Hà.
Liên quan đến sân golf có Tổ hợp dự án khu đô thị, du lịch và sân golf Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh); Tổ hợp dự án khu đô thị, du lịch và sân golf tại thị trấn Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên); Tổ hợp dự án nghỉ dưỡng, sân golf quốc tế Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà); Khu đô thị nghỉ dưỡng và sân golf tại Cẩm Dương (huyện Cẩm Xuyên)
Ngoài ra còn có Tổ hợp dự án khu đô thị, du lịch và thể thao tại TP. Hà Tĩnh; Tổ hợp dự án đô thị, du lịch nghỉ dưỡng Văn Trị (huyện Thạch Hà); Khu đô thị mới Hàm Nghi (TP. Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà); Khu đô thị Nam Cầu Phủ (TP. Hà Tĩnh).
Theo Baodautu