Chính quyền tỉnh Nghệ An cùng các sở, ban ngành liên quan đã họp bàn và đưa ra những định hướng quan trọng nhằm phát triển đô thị tỉnh nhà có những phát triển đột phá trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nghệ An là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung bộ, với diện tích là 16493,7km² và có 21 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm: 01 thành phố, 3 thị xã và 17 huyện. Vì thế để nâng cao chất lượng phát triển đô thị trên toàn tỉnh cần có những định hướng phát triển theo cấu trúc trọng điểm, hài hòa, xây dựng bản sắc đô thị và nông thôn trong trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các định hướng được đưa ra nhằm phấn đấu tỷ lệ đô hóa của tỉnh đạt mức trung bình thấp của nước, dự kiến đến năm 2025 đạt tỷ lệ đô thị hóa khoảng 34-36% (tỷ lệ đô thị hóa cả nước dự kiến đạt 45%), đến năm 2030 đạt khoảng 40-45% (tỷ lệ đô thị hóa cả nước dự kiến khoảng 50%), tầm nhìn đến năm 2050 đạt khoảng 50% (tỷ lệ đô thị hóa cả nước dự kiến khoảng 60%). Cần phải có những phát triển đột phá trong giai đoạn 2021-2030, theo các định hướng chiến lược cụ thể:
Đó là, định hướng nâng tỷ lệ đô thị hóa tương đương tỷ lệ trung bình thấp của cả nước theo hướng nâng cấp một số đơn vị hành chính cấp huyện thành đơn vị hành chính cấp đô thị (thị xã hoặc thành phố).
Theo đó, định hướng phát triển vùng đô thị hóa diện rộng theo hành lang ven biển, gắn với các trục giao thông phát triển như: Quốc lộ 1, đường cao tốc Bắc Nam, đường ven biển, gắn với các đơn vị hành chính như thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Hưng Nguyên, huyện Nam Đàn, huyện Nghi Lộc, huyện Diễn Châu, huyện Yên Thành, huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai. Vùng đô thị hóa không phát triển lan tỏa, liên tục, được giới hạn bởi các không gian xanh tự nhiên như các dãy núi, các tuyến sông. Hình thành các trục đô thị hóa trọng tâm như trục Vinh – Cửa Lò; Yên Thành – Diễn Châu; Cầu Giát – Hoàng Mai. Trong đó, đảm bảo các tuyến giao thông đối ngoại, đường tránh, cao tốc để giao thông Bắc Nam được lưu thông thuận lợi. Để phát triển vùng đô thị hóa ven biển cần phát triển hệ thống đô thị dịch vụ ven biển gắn với dự án đường ven biển và phát triển đô thị công nghiệp gắn với hành lang giữa Quốc lộ 1A và đường cao tốc.
Phát triển các vùng đô thị hóa trung tâm phía Tây Nam gắn với các huyện Đô Lương, Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ, trong đó tiếp tục định hướng phát triển đô thị hóa mở rộng đô thị Đô Lương thành đô thị trọng tâm của vùng trong giai đoạn trước mắt, đồng thời đô thị hóa mở rộng các đô thị huyện lỵ để phát triển tập trung dân cư, đô thị hóa các xã có dân cư tập trung cao thành các đô thị đạt tiêu chí đô thị loại V.
Phát triển vùng đô thị hóa phía Tây Bắc gắn với các đơn vị hành chính gồm: Thị xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn, huyện Quỳ Hợp, trong đó tiếp tục phát triển đô thị hóa mở rộng thị xã Thái Hòa thành đô thị dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp khai thác khoáng sản, công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, đô thị hóa mở rộng các đô thị huyện lỵ để phát triển tập trung dân cư, đô thị hóa các xã có dân cư tập trung cao thành các đô thị đạt tiêu chí đô thị loại V.
Bên cạnh đó, định hướng phát triển mở rộng đô thị hóa gắn với sản xuất và dịch vụ: Để đạt được mục tiêu phát triển cao trong giai đoạn tới, ngoài việc tập trung phát triển các ngành kinh tế trọng điểm như sản xuất công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút phát triển các dự án trọng điểm làm động lực, cần phải ưu tiên phát triển hệ thống đô thị, dịch vụ gắn với chỉ tiêu đô thị hóa đạt chỉ tiêu bình quân thấp của cả nước.
Phát triển hệ thống các đô thị huyện lỵ tại các huyện phía Tây thành các đô thị hành chính dịch vụ, hỗ trợ đổi mới hoạt động thương mại, du lịch, sản xuất nông nghiệp và bảo vệ rừng của các huyện miền núi phía Tây; cải tạo nâng cấp các tuyến Quốc lộ 7, Quốc lộ 48, đường ven biên giới (Tỉnh lộ 1) tạo nên hành lang phát triển kinh tế – xã hội cho các huyện miền núi phía Tây. Từng bước thu hút dân cư phân tán tập trung về các đô thị huyện lỵ để mở rộng đô thị hóa và tạo điều kiện tiếp cận dịch vụ, hạ tầng kinh tế – xã hội được thuận lợi, gắn với phát triển các mô hình kinh tế mới, các sản phẩm đặc thù để bố trí phát triển các dự án dịch vụ hỗ trợ.
Quá trình đô thị hóa cần chú trọng theo mô hình đô thị hóa tập trung để nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng, sử dụng đất hiệu quả, gắn với các dự án động lực như hạ tầng giao thông, cảng biển, dự án sản xuất công nghiệp dịch vụ, thương mại du lịch để tạo nên các đô thị hoàn chỉnh, có chất lượng sống cao, thu hút hấp dẫn người dân và lao động.
Tổ chức không gian các đô thị cần đặc biệt quan tâm đến các yếu tố tự nhiên hiện trạng như đặc điểm địa hình đồi núi, sông hồ hiện trạng, đặc điểm khí hậu địa phương, ứng phó với các vấn đề tai biến môi trường, đặc biệt phải bảo tồn phát huy được các giá trị hiện trạng, bảo vệ các cấu trúc làng xóm nông thôn hiện hữu.
Trong giai đoạn 2021-2030, tiếp tục tập trung nguồn lực phát triển các vùng liên huyện, vùng huyện, bao gồm: Vùng thành phố Vinh và phụ cận; vùng Hoàng Mai – Quỳnh Lưu; vùng Diễn Châu – Yên Thành; vùng Đô Lương và phụ cận; vùng Thái Hòa và phụ cận; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa tỉnh Nghệ An đạt khoảng 34-36% (thấp hơn bình quân chung cả nước dự kiến khoảng 45%). Dân số thành thị khoảng 1.355,2 nghìn người, dân số nông thôn khoảng 2.589,2 nghìn người. Quy mô, chất lượng các đô thị trong hệ thống đô thị đảm bảo đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn quốc gia về phân loại đô thị và phân loại đơn vị hành chính. Một số đô thị miền núi phía Tây xây dựng theo tiêu chí đô thị đặc thù.
Và đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa tỉnh Nghệ An đạt khoảng 40-45%. Dân số đô thị khoảng 1.995,6 nghìn người, dân số nông thôn khoảng 2.600 người. Phát triển cân đối, hợp lý các nhóm đô thị là thành phố, thị xã và nhóm đô thị là thị trấn trong vùng nông thôn. Phát triển thành phố Vinh và một số đô thị là thành phố trực thuộc tỉnh có trình độ phát triển kinh tế – xã hội, trình độ phát triển hạ tầng đô thị đạt mức cao theo tiêu chuẩn quốc gia về đô thị loại I, loại II, là những đô thị có vai trò ảnh hưởng cấp vùng và quốc gia.
Theo định hướng phát triển hệ thống đô thị nông thôn quốc gia giai đoạn 2021-2030 sẽ phát triển đồng thời mô hình phát triển đô thị trọng điểm làm mũi nhọn và đô thị hóa theo mạng lưới để phát triển công bằng và bền vững cho các khu vực kinh tế – xã hội và các vùng địa bàn khác nhau của tỉnh Nghệ An. Phát triển các đô thị trọng tâm làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng liên huyện; phát triển mạng lưới đô thị theo tầng bậc để tạo sự tiếp cận thuận lợi cho người dân; phát triển tích hợp để tối ưu hóa tiềm năng và điều kiện nguồn lực; phát triển các đô thị đổi mới sáng tạo để hỗ trợ chuyển đổi kinh tế.
Phát triển hài hòa, xây dựng bản sắc đô thị và nông thôn: Mạng lưới điểm dân cư nông thôn được quản lý đồng bộ, bài bản tạo nên hình thái đặc trung theo các khu vực là giá trị cần giữ gìn, phát triển trong quá trình phát triển mở rộng đô thị hóa, tạo nên bản sắc đặc trưng cho từng khu vực, gắn với thực trạng phát triển, đặc điểm điều kiện tự nhiên, đặc điểm văn hóa và đặc điểm hoạt động sản xuất. Trong đó ưu tiên kiểm soát mật độ xây dựng theo hướng trung bình thấp (dành mật độ cho cây xanh, mặt nước để ứng phó với điều kiện khí hậu); kiểm soát tầng cao công trình (chỉ nên phát triển công trình cao tầng tại một số khu vực nhất định), phát triển không gian văn hóa là hạt nhân của đô thị. Khuyến khích phát triển các khu vực đô thị mới tập trung hiện đại, bên cạnh giữ gìn nguyên trạng các làng xóm hiện hữu.
Theo Baoxaydung