Khi hoàn thành đề án mở rộng, TP Vinh (Nghệ An) sẽ có thêm diện tích phát triển khu công nghiệp, đồng thời giảm áp lực hạ tầng ở trung tâm.
Thành phố Vinh (Nghệ An) hiện nay khi chưa mở rộng có diện tích tự nhiên 105km2, dân số 348.846 người với 25 đơn vị hành chính trực thuộc – gồm 16 phường và 9 xã. Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam với gần 16.500km2, gấp 5 lần diện tích thủ đô Hà Nội.
Khi tiến hành mở rộng địa giới hành chính, cùng với diện tích và dân số hiện tại, TP Vinh sẽ có thêm toàn bộ địa giới hành chính thị xã Cửa Lò (29,12km2) và diện tích 6 xã (47,14km2) của huyện Nghi Lộc, nâng tổng diện tích của thành phố Vinh lên 182 km2 và tổng dân số lên khoảng 461.600 người. Trong ảnh là một vùng nông thôn của huyện Nghi Lộc, nơi sẽ sát nhập vào thành phố Vinh.
Việc mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh nhằm cụ thể hóa Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời sẽ làm giảm áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị của trung tâm là thành phố, tạo sự cân đối giữa nội thành và ngoại thành. Trong ảnh là đường Quang Trung, một tuyến đường trung tâm của thành phố Vinh.
Thành phố cũng kỳ vọng sẽ có thêm không gian phát triển các khu cụm công nghiệp, tác động tích cực đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo việc làm; thu hút lực lược lao động chất lượng cao; từng bước phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ. Trong ảnh là vòng xuyến ở nút giao giữa đường Trần Phú, Trường Thi và Lê Duẩn.
Đây là phương án có số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ảnh hưởng ít nhất; số lượng cán bộ, công chức dôi dư phải bố trí, sắp xếp ít nhất; giảm được tối đa chi phí đầu tư xây dựng mới kết cấu hạ tầng, các công trình phúc lợi khác.
Năm 2021, quy mô giá trị sản xuất của thành phố Vinh đạt 55.511 tỷ đồng; GRDP bình quân đạt 107,8 triệu đồng/người/năm và cao hơn 2,37 lần so với bình quân toàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,53%.
Ngoài việc tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn thành phố đang được thực hiện một cách đúng hướng. Hiện nay ngành nông, lâm, ngư nghiệp đang giảm dần tỷ trọng, năm 2021 giá trị sản xuất đạt 433 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực này giai đoạn 2014 – 2020 là -1%.
Hiện tại, tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 29,4% trong tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2013-2021. Trong 4 nhóm ngành thì nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất, riêng năm 2021 đã đóng góp cho nền kinh tế của thành phố 16.423 tỷ đồng.
Ngoài công nghiệp, ngành dịch vụ trên địa bàn thành phố phát triển khá nhanh và đa dạng, nhất là các lĩnh vực thương mại, du lịch, tài chính ngân hàng, viễn thông, vận tải. Năm 2021 giá trị sản xuất dịch vụ thương mại đạt 24.174 tỷ đồng với hơn 6.430 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Hiện nay, thành phố đã hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới trong năm 2016. Năm 2021 đã đưa vào vận hành Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC). Thành phố Vinh là 1 trong 2 thành phố của Việt Nam được UNESCO công nhận là “Thành phố học tập toàn cầu”. Trong ảnh là một góc hồ Sĩ Huân, gần quảng trường Hồ Chí Minh.
Để chuẩn bị cho việc mở rộng, đại lộ 72m Vinh – Cửa Lò, dài 11,2km, với tổng mức đầu tư lên tới hơn 4,1 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước đã cơ bản được thông tuyến hai bên.
Dự kiến trong tháng 4/2023, tỉnh Nghệ An sẽ hoàn thiện đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh trình Chính phủ. Trong ảnh là một góc của thị xã Cửa Lò.
Theo các chuyên gia, việc mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị để trở thành đô thị biển sẽ tạo cú hích thành phố Vinh phát triển toàn diện hơn, là một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Theo Markettimes