Để thành phố Vinh trở thành trung tâm tài chính, ngân hàng của khu vực

Ngày 20/7/2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến 2020, đến nay sau gần 10 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Một trong những nhiệm vụ mà Nghị quyết đề ra là xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ về tài chính, ngân hàng.

Phát triển mạnh về hạ tầng, thương mại dịch vụ

Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, thành phố vinh đã có bước phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân của tỉnh, giai đoạn 2014-2021, đạt 6,36%/năm (giai đoạn 2014-2019 đạt 9,02%).

GRDP bình quân đầu người 2021 đạt 107,8 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân sách hàng năm giai đoạn 2014-2021 đạt 10,1%/năm (giai đoạn 2014-2019 đạt 12,95%).

Tổng vốn đầu tư phát triển hàng năm tăng 9,84%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,53%. Thành phố đã hoàn thành Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trong năm 2016. Các chỉ tiêu đô thị loại I về hạ tầng kỹ thuật được nâng cao, bộ mặt đô thị có nhiều khởi sắc, quy hoạch đô thị phát triển theo hướng văn minh, hiện đại; kết cấu hạ tầng đô thị đạt được nhiều kết quả tích cực.

Các lĩnh vực văn hóa – xã hội tiếp tục có bước phát triển và tạo được chuyển biến đáng kể. Thành phố đã đưa vào vận hành phố đi bộ ban đêm thu hút được sự tham gia hưởng ứng của nhân dân và du khách.

Để thành phố Vinh trở thành trung tâm tài chính, ngân hàng của khu vực ảnh 1
Thành phố Vinh phát triển mạnh về hạ tầng, thương mại dịch vụ

Thu ngân sách trong năm 2021 của thành phố đạt khá với 2.503,2 tỷ đồng. Về lĩnh vực thương mại, dịch vụ thành phố khá phát triển.

Năm 2021, giá trị sản xuất dịch vụ, thương mại đạt 24.174 tỷ đồng với hơn 6.430 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Trong đó, xu thế các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển nhanh, các ngành dịch vụ, thương mại và xây dựng chiếm tỷ trọng cao, các ngành sản xuất chiếm tỷ trọng thấp. Trên địa bàn thành phố hiện có 12 trung tâm thương mại; 14 siêu thị; 28 chợ dân sinh: 2 chợ hạng I, 4 chợ hạng II, 13 chợ hạng III, 9 chợ chưa được xếp hạng.

Về tài chính ngân hàng, thành phố Vinh hiện có 38 tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả, vững chắc, với các loại hình (Ngân hàng thương mại Nhà nước, Ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng khối Chính sách, Quỹ tín dụng nhân dân), đáp ứng nhu cầu về dịch vụ ngân hàng.

Chất lượng các sản phẩm dịch vụ ngày càng đa dạng, phong phú và chất lượng hơn, từng bước hỗ trợ có hiệu quả cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của các đơn vị, doanh nghiệp, người dân trong tỉnh và khu vực, góp phần ổn định kinh tế thành phố.

Để thành phố Vinh trở thành trung tâm tài chính, ngân hàng của khu vực ảnh 2
Phố đi bộ Vinh dần trở thành điểm nhấn về du lịch, dịch vụ.

Tính đến ngày 31/12/2021, nguồn vốn huy động toàn địa bàn đạt 175.467 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 15.312 tỷ đồng, bằng 9,6%; tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 242.614 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 16.584 tỷ đồng, bằng 7,3%, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ về huy động và dư nợ; đứng thứ 6 cả nước về huy động vốn và đứng thứ 4 về dư nợ cho vay, tỷ lệ nợ xấu luôn duy trì ở mức thấp: 0,6%.

Việc phát triển mạng lưới dịch vụ ngân hàng tiếp tục được củng cố và phát triển, thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tiếp tục được đẩy mạnh theo Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 – 2025.

Trên địa bàn còn có 1 chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi khu vực Bắc Trung Bộ, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc giám sát an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng và 20 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực bảo hiểm. Hoạt động ngành Ngân hàng luôn an toàn, hiệu quả, vững chắc với đa dạng các loại hình, tuy nhiên, để trở thành trung tâm vùng vẫn còn những băn khoăn.

Để Vinh trở thành trung tâm tài chính, ngân hàng trong tương lai

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, mục tiêu xây dựng thành phố Vinh trở thành trung tâm tài chính ngân hàng của khu vực thực sự chưa rõ nét.

Khó khăn thứ nhất do sự phát triển vượt trội của một số tỉnh trong khu vực điển hình như Thanh Hóa, Hà Tĩnh.

Thanh Hóa thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt 26.000 tỷ, xếp thứ 7 cả nước và dẫn đầu khu vực 14 tỉnh duyên hải miền Trung. Con số này ở Nghệ An là 10.000 tỷ đồng, điều đó cho thấy kinh tế Thanh Hóa đã có sự vượt trội, đặc biệt là các dự án lớn.

Khó khăn thứ hai Nghệ An vẫn là vùng xa các trung tâm lớn về tài chính, kinh tế của đất nước, còn những rào cản trong phát triển kinh tế – xã hội nói chung, từ đó ảnh hưởng tới thành phố Vinh.

Để thành phố Vinh trở thành trung tâm tài chính, ngân hàng của khu vực ảnh 3
Thành Vinh lung linh, hiện đại

Ông Nguyễn Xuân Hải – Giám đốc Sở Tài chính cho biết, việc thực hiện xây dựng thành phố Vinh trở thành trung tâm tài chính, ngân hàng theo Nghị quyết 26 còn những cái khó vì còn phải phụ thuộc nhiều điều kiện khách quan. Đó là phụ thuộc vào chính các ngân hàng, hạ tầng đầu tư, nguồn lực đều do chính các ngân hàng thực hiện trên cơ sở đánh giá tiềm năng, lợi thế phát triển. Nhiều khi chính quyền khó can thiệp được mà cần vai trò của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng.

Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Tú – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố Vinh hiện đã có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt mà có thể nói nhờ Nghị quyết 26. Nghị quyết đã tôn lên vị thế của Vinh, xác định Vinh trở thành 10 trung tâm của khu vực, trong đó có trung tâm tài chính ngân hàng. Từ Nghị quyết nền tảng này, Thủ tướng đã ban hành các quyết định làm cơ sở pháp lý cho thành phố phát triển. Đó là Quyết định 239/2015, 2468, 2015, đặc biệt là Quyết định 827 năm 2020 thực hiện đến năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2023 theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị. Như vậy, có thể nói Nghị quyết 26 có ý nghĩa và vai trò to lớn đối với Nghệ An nói chung và thành phố Vinh nói riêng.

Sau 10 năm thực hiện, ở TP. Vinh một số lĩnh vực như: Thương mại, dịch vụ, du lịch, khoa học – công nghệ, y tế, giáo dục và đào tạo, công nghệ thông tin đã hình thành yếu tố trung tâm vùng.

Ông Trần Ngọc Tú cho biết thêm, đối với nhiệm vụ xây dựng TP. Vinh thành trung tâm tài chính, ngân hàng của khu vực phải tiếp tục làm và có thể làm được. Trước hết, phải làm tốt công tác quy hoạch, có vai trò dẫn dắt của chính quyền. Nghệ An nói chung và thành phố Vinh nói riêng đã và đang phát triển mạnh mẽ về hạ tầng, công nghiệp, thương mại, du lịch. Việc phát triển mạnh theo hướng nào phụ thuộc vào vai trò, tầm nhìn của người đứng đầu khi tạo ra môi trường kinh doanh, môi trường thu hút đầu tư thuận lợi, an toàn, hấp dẫn.

“Hiện nay thành phố đang có nhiều dự án bất động sản, đang phát triển mạnh về thương mại, dịch vụ, quyết liệt thực hiện quyết định 827/2022 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó bao gồm cả nhiệm vụ mở rộng đô thị Vinh bao gồm cả thị xã Cửa Lò và một số xã của Hưng Nguyên, Nghi Lộc. Khi thành phố Vinh lớn mạnh, quy mô được mở rộng, các điều kiện cần đã có thì việc phấn đấu trở thành trung tâm vùng về lĩnh vực nào đó sẽ thuận lợi hơn”.

ÔNG TRẦN NGỌC TÚ – PHÓ BÍ THƯ THÀNH ỦY, CHỦ TỊCH UBND THÀNH PHỐ VINH.

Hiện nay, thành phố Vinh đang triển khai các bước thực hiện Dự án Hạ tầng ưu tiên và Phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, vốn vay Ngân hàng Thế giới và các dự án quan trọng khác.

Để thành phố Vinh trở thành trung tâm tài chính, ngân hàng của khu vực ảnh 4
Toàn cảnh Khu Công nghiệp VSIP

Đối với Nghệ An, việc phát triển mạnh mẽ về công nghiệp, nông nghiệp như thời gian qua, việc thu hút được các nhà đầu tư lớn vào đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng như KCN VSIP, WHA, Hoàng Mai I tạo tiền đề để thu hút các dự án thứ cấp, nhiều dự án FDI quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử như Luxshare – TCT (140 triệu USD); Goertek (500 triệu USD), Ju Teng (200 triệu USD), Everwin (200 triệu USD)… xuất hiện nhu cầu của các nhà đầu tư cần có các dịch vụ tài chính, ngân hàng tốt hơn trên địa bàn.

Ông Nguyễn Quốc Việt – Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng lớn trên địa bàn thành phố cho biết, việc doanh nghiệp kết nối với ngân hàng là rất thường xuyên, liên tục và thời gian qua hoạt động dịch vụ của ngân hàng trên địa bàn thành phố Vinh rất tốt.

Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Nghệ An đang được cải thiện. So sánh với các tỉnh Bắc Trung Bộ, PCI của Nghệ An luôn nằm trong top đầu: Các năm 2017, 2018, 2019 xếp thứ 1; năm 2016 và năm 2020 xếp thứ 2; năm 2021 xếp thứ 3 (sau Thừa Thiên Huế và Hà Tĩnh).

Đây cũng là những điều kiện thuận lợi để thành phố Vinh làm tốt hơn nhiệm vụ trung tâm vùng về các mặt khi đủ điều kiện. Bên cạnh đó, với việc phát triển mạnh hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin trong bối cảnh dịch vụ tài chính số, kinh doanh số cũng sẽ hỗ trợ tốt hơn cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư về tài chính./.

Theo Baonghean

Bài viết liên quan

Để lại bình luận