Hồ chứa nước Bản Mồng có tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng, lớn nhất tỉnh Nghệ An, phục vụ tưới tiêu, phát điện và cấp nước sinh hoạt cho hàng vạn người dân.
Dự án hồ chứa nước Bản Mồng (giai đoạn 1) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt năm 2009 bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, với tổng số tiền 5.350 tỷ đồng bao gồm cả các hợp phần, đền bù, di dân tái định cư và giải phóng mặt bằng.
Năm 2010, dự án được khởi công, do Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 4 làm chủ đầu tư.
Đến nay, dự án thi công được 12 năm. Công trình được xây dựng trên dòng sông Hiếu thuộc địa bàn xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An). Lòng hồ rộng 25km2, chủ yếu nằm tại huyện Quỳ Châu (Nghệ An) và một phần thuộc huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa).
Đây là công trình thủy nông lớn nhất Nghệ An, sức chứa 225 triệu m3 nước. Khi đi vào hoạt động sẽ phục vụ tưới tiêu cho gần 20.000ha đất nông nghiệp ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, thị xã Thái Hòa và 3 xã của huyện Anh Sơn; cấp nước về sông Cả vào mùa hạn 23 m3/giây; cắt giảm lũ vào mùa mưa.
Theo thiết kế, đập chính bằng bê tông dài hơn 220m, cao hơn 45m. Tràn xả lũ gồm 5 cánh cửa tràn, mỗi khoang rộng 75m. 5 cánh cửa tràn này phục vụ điều tiết cho việc xả lũ.
Ông Hoàng Xuân Thịnh – Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 4 – cho biết, đến nay phần thủy công công trình đầu mối đạt 98%; trong đó đập chính, cống lấy nước, cống xả sâu đã cơ bản hoàn thành, tràn xả lũ dừng ở cao độ +54,50m/+63,60m (dừng thi công từ tháng 6/2020 phục vụ dẫn dòng lũ chính vụ năm 2020, từ tháng 11/2020 hết nhiệm vụ dẫn dòng thi công).
“Hiện nay ngoài 2 gói thầu 36 và 42 đang thi công, các gói thầu còn lại đã hoàn thành; đang rà soát phê duyệt điều chỉnh bổ sung và nghiệm thu thanh toán trong tháng 5/2022. Trong đó, thi công phần BT ngưỡng tràn từ cao trình +55,00m đến cao trình +63,60m mất 3 tháng, lắp đặt cửa van và các thiết bị dự kiến mất 5 tháng”, ông Hoàng Xuân Thịnh – Giám đốc Ban Quản lý đầu tư & Xây dựng thủy lợi 4 – cho biết.
Ông Trần Văn Tạo – Phó ban Quản lý dự án hồ chứa nước Bản Mồng cho biết: “Đây là một đường hầm xuyên lòng sông Hiếu dài gần 300m hay còn gọi là hành lang quan trắc. Đường hầm này có đầy đủ hệ thống điện thắp sáng để cán bộ quản lý kiểm tra, theo dõi việc vận hành”.
Đường ống lấy nước có đường kính 3m, dài gần 1km đang trong quá trình hoàn thiện. Đường ống lấy nước này sẽ phục vụ vùng hạ du gồm các huyện: Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Thái Hòa và một số xã của huyện Anh Sơn.
Hai cột xi lanh đóng mở cống xả sâu. Hiện xi lanh này đang trong quá trình lắp đặt.
Lãnh đạo Ban Quản lý Đầu tư & Xây dựng thủy lợi 4 kiểm tra hệ thống thủy điện, thăm các công nhân đang ngày đêm đẩy nhanh tiến độ sớm đưa công trình vào vận hành.
“Dự kiến vào cuối quý 4/2023 sẽ hoàn thành và tích nước, đưa công trình vào phục vụ, sản xuất nông nghiệp, cũng như phát điện, phát huy hiệu quả của nguồn vốn đầu tư cho công trình này”, ông Hoàng Xuân Thịnh cho biết thêm.
Nhà điều hành trung tâm – nơi cán bộ, công nhân viên ở để vận hành cống lấy nước, phục vụ trong việc tưới tiêu cho vùng hạ du. Bên cạnh đó, ở khu trung tâm này còn là nơi phát triển du lịch, tham quan cho du khách gần xa khi ghé thăm đại công trình thủy lợi Bản Mồng nằm ở miền Tây Nghệ An.
Đường ống dẫn nước xuyên núi, xuyên đường dài khoảng 200m, ngay trên trục chính đường vào đại công trường hồ chứa nước Bản Mồng đã hoàn thành được 95%.
Vùng lòng hồ rộng lớn nằm trên thượng nguồn sông Hiếu. Đây là dự án thủy lợi đa mục tiêu, có tác động lớn về kinh tế, xã hội của miền Tây tỉnh Nghệ An.
Cột thủy chí dùng để đo mực nước tại hồ đã hoàn thành. Ngoài cột đo thủ công, chủ đầu tư đang lắp các hệ thống quan trắc tự động để việc quan sát cao trình nước được thuận lợi hơn.
Thân đập thủy điện nhìn từ độ cao gần 100m xuống lòng hồ sông Hiếu.
Nhà van côn – nơi điều tiết nước cho chảy về phía hạ du.
Đỉnh đập thủy điện dài gần 300m nối đôi bờ sông Hiếu. Đứng từ trên đỉnh đập nhìn về phía hạ du là một vùng rừng núi ngút ngàn.
Hệ thống lưới chắn rác đồ sộ, dùng để ngăn chặn rác vào các tổ máy, tránh những rủi ro có thể xảy ra khi mùa mưa lũ về.
Các hạng mục như biển chỉ dẫn địa danh hồ Bản Mồng, cổng chào, nhà vọng cảnh… xung quanh khu vực dự án này có ý nghĩa trong việc phát triển du lịch sinh thái, là nơi để người dân dừng chân nghỉ ngơi, check-in khi đến làm việc và tham quan tại công trình.
Cũng tại hồ chứa nước Bản Mồng có nhà máy thủy điện 45 MW nằm ở giữa đập, sắp hoàn thành; khi đi vào sử dụng sẽ hòa vào lưới điện quốc gia
Theo dantri.com.vn