Sáng 4/11, trong chương trình làm việc tại huyện Con Cuông, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra tiến độ các dự án, mô hình kinh tế, di tích, danh thắng trên địa bàn huyện.
Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Tài chính, Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung và đoàn công tác đã đến thăm di tích danh thắng Thắm Nàng Màn tại xã Yên Khê, huyện Con Cuông. Di tích này được công nhận là Di tích danh thắng cấp tỉnh vào năm 2017.
Di tích Thắm Nàng Màn có diện tích 1.853 m2, gắn liền với sự tích nàng Màn bồng con hóa đá. Nơi đây đã trở thành điểm dừng chân của khách du lịch và là điểm sinh hoạt tâm linh của người dân. Mọi người thường vào hang để cầu khấn nàng Màn phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cầu nguyện được hạnh phúc trong tình yêu và cuộc sống.
Di tích Thắm Nàng Màn được nhiều lần tu bổ, tôn tạo các hạng mục. Tuy nhiên, do công tác quản lý Nhà nước chưa chặt chẽ, đồng bộ, công tác quản lý, bảo vệ di tích còn buông lỏng nên vệ sinh, cảnh quan môi trường chưa đảm bảo. Địa phương cũng chưa huy động được nguồn lực xã hội hóa cho công tác quản lý, bảo tồn di tích, trong khi nhận thức của cộng đồng trong quản lý, bảo vệ di tích còn hạn chế.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng đã đi kiểm tra quy hoạch Khu trung tâm hành chính huyện Con Cuông. Khu trung tâm hành chính được quy hoạch xây dựng hoàn toàn mới ở vùng thung lũng phía Nam Quốc lộ 7 và được bố trí dọc theo 2 bên trục đường quy hoạch mới hướng Tây Bắc – Đông Nam.
Khu trung tâm hành chính gồm các công trình như quảng trường, khối Huyện ủy, khối HĐND – UBND huyện, khối Dân chính, khối dịch vụ công cộng, thương mại;…
Hiện nay, hạ tầng kỹ thuật trong khu trung tâm đã triển khai xây dựng được một số tuyến đường; một số cơ quan, đơn vị cũng đã chuyển vào vị trí mới. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Mặt khác, công tác quản lý và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đang còn nhiều vướng mắc.
Huyện Con Cuông đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương triển khai các dự án trọng điểm trong giai đoạn 2022 – 2025, gồm: Tuyến đường trục chính đô thị với mức đầu tư 180 tỷ đồng; Khu hành chính huyện với tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng; Bãi xử lý rác tập trung với mức đầu tư 50 tỷ đồng. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh giao toàn bộ phần đất do Công ty cổ phần Tổng Công ty Chè Nghệ An quản lý nằm trong vùng quy hoạch đô thị về cho huyện quản lý và thực hiện quy hoạch.
Quy hoạch Khu hành chính huyện Con Cuông. Ảnh: Phạm Bằng |
Tiếp đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra tiến độ xây dựng cầu Thanh Nam. Đây là cây cầu bắc qua sông Lam, với tổng mức đầu tư 166 tỷ đồng. Cầu xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực với chiều dài 412,85m.
Dự án được khởi công xây dựng từ ngày 6/9/2021, đến nay đã thi công xong 54/79 cọc khoan nhồi; thi công xong 7/13 mố trụ cầu, đã lao lắp 20 phiến.
Hiện 83/91 hộ gia đình, cá nhân có đất, tài sản trên đất bị ảnh hưởng bởi dự án đã nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng; còn 8 hộ gia đình và 38 ki-ốt chợ chưa được giải phóng mặt bằng, trong đó có 3 hộ phải tái định cư.
Tại hiện trường, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu nhà thầu tăng cường nhân lực và thiết bị, máy móc triển khai thi công công trình đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Huyện Con Cuông đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cá nhân đồng thuận, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, trong đó, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng đã đến kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, mô hình liên kết giữa Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát với Hợp tác xã Dược liệu Pù Mát.
Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát với Hợp tác xã Dược liệu Pù Mát trồng, chăm sóc, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dược liệu. Hiện nay, đã có 23 ha dược liệu được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP; tạo việc làm cho 150 hộ dân thuộc đồng bào dân tộc Thái.
Với giá thu mua hiện nay của công ty là 7.300 đồng/kg dược liệu tươi, thì mỗi ha trồng dược liệu nông dân có doanh thu khoảng 240 – 270 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 120 – 150 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác…
Qua nghe doanh nghiệp báo cáo, đồng chí Nguyễn Đức Trung đánh giá, đây là mô hình kinh tế thực chất, bước đầu mang lại hiệu quả, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, có sự liên kết với người dân để tổ chức sản xuất.
Mặc dù quy mô của mô hình còn chưa lớn, nhưng sản phẩm của công ty đạt chất lượng, thể hiện là đã có 7 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, được người tiêu dùng đón nhận.
Thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung mong muốn doanh nghiệp tiếp tục đầu tư công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, tăng sản lượng, phát triển thị trường. Song song với đó, doanh nghiệp phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Huyện Con Cuông cần quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho mô hình phát triển tốt hơn, đóng góp vào mục tiêu nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế – xã hội của huyện./.
Theo Baonghean