Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Sửa đổi Luật Đất đai tập trung vào định giá đất

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Đất đai lần này sẽ tập trung cụ thể vào các công cụ như quy hoạch, kế hoạch, vấn đề liên quan đến định giá và hầu hết các phương thức giao đất sẽ là đấu thầu và đấu giá để đảm bảo công khai, minh bạch.

e1805d30-3b76-4bc2-a4c5-1677b34d
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu giải trình.

Sáng 28/10, tại phiên Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội, giải trình ý kiến của đại biểu về công tác quản lý đất đai, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) khẳng định, đây là vấn đề hết sức quan trọng và bày tỏ sự đồng tình, thống nhất về nhận xét của đại biểu về những vấn đề tồn tại, bất cập hiện nay.

Theo ông Trần Hồng Hà, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lãng phí đất đai, như chậm giải phóng mặt bằng, do các quy hoạch đang thay đổi và do hiện nay các nhà đầu tư đã lựa chọn là các nhà đầu tư kém năng lực nên không đầu tư được.

Bộ trưởng TN&MT nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu. Trong đó, từ nay đến năm 2024 nên ban hành các nghị quyết của Quốc hội, hoặc nghị định của Chính phủ về các vấn đề liên quan tại địa phương, theo thẩm quyền đưa ra cơ chế giải quyết những vấn đề tồn tại, vướng mắc phổ biến hiện nay đối với 4 tỉnh, thành phố. Đồng thời sau đó tính toán triển khai đối với các địa phương khác trong cả nước. Chủ trương nhất quán là bám sát nguyên tắc không làm thất thoát tài sản, nguồn lực từ đất đai của nhà nước, không để lợi dụng hợp thức hóa những sai phạm.

Liên quan đến việc lợi dụng trong các chính sách đất đai, Luật Đất đai lần này sẽ tập trung cụ thể vào các công cụ như quy hoạch, kế hoạch, vấn đề liên quan đến định giá và hầu hết các phương thức giao đất sẽ là đấu thầu và đấu giá để đảm bảo công khai, minh bạch.

Nội dung thứ hai được Bộ trưởng TN&MT đề cập là vấn đề biến đổi khí hậu. Theo ông, đây là vấn đề lớn, thời điểm này đang diễn biến rất gay gắt, phức tạp và sẽ trở thành vấn đề sống còn nếu chúng ta không có những quyết định kịp thời. Tư lệnh ngành tài nguyên môi trường cho biết Việt Nam đang đứng trước thách thức trong quá trình chuyển đổi chung của toàn cầu, thế giới. Toàn bộ quá trình này nếu được tận dụng cơ hội, chúng ta sẽ chuyển đổi nền kinh tế theo hướng kinh tế carbon thấp, chuyển đổi xanh.

“Việt Nam có tiềm năng rất lớn để làm việc này. Theo tính toán sơ bộ, năng lượng gió ngoài khơi của chúng ta là hơn 600 GWh, gấp khoảng 5 lần nhu cầu điện sử dụng hiện nay”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói và cho biết Chính phủ đã phê duyệt đề án thực hiện COP26, chỉ đạo đàm phán với các nước phát triển đặc biệt là G7 để thu hút công nghệ về chuyển giao công nghệ.

Về vấn đề môi trường, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, từ nay đến năm 2025 sẽ đưa ra các mô hình về công nghệ, sẽ giải quyết các vấn đề liên quan lựa chọn các nhà đầu tư và sẽ có chính sách để ưu tiên các dự án về hạ tầng, về môi trường, hạ tầng về biến đổi khí hậu.

Theo Nhadautu

Bài viết liên quan

Để lại bình luận