Thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 14/11, đa số các ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với việc Dự thảo Luật bỏ quy định khung giá đất, chuyển sang xác định giá đất phù hợp với giá thị trường.
Bước đột phá tháo gỡ điểm nghẽn trong đền bù, giải phóng mặt bằng
Tán thành với việc Dự thảo Luật bỏ quy định khung giá đất, chuyển sang xác định giá đất phù hợp với giá thị trường, đại biểu Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) cho rằng: “Đây là bước đột phá về tư duy và mang ý nghĩa lịch sử”.
Đại biểu đề nghị giải thích rõ cụm từ “phù hợp với giá trị thị trường” tại Điểm c Khoản 1 Điều 163, vì hiện nay việc xác định giá đất phù hợp với giá thị trường gặp nhiều khó khăn, do cơ sở dữ liệu về giá đất chưa đầy đủ, giá đất luôn biến động.
Đồng thời, bà Hảo đề nghị cần có phương pháp để xây dựng giá trị bảng giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị có liên quan trong xác định giá đất.
“Ví dụ, Dự thảo Luật đưa ra các phương pháp định giá đất mới như: vùng giá trị đất, giá thửa đất chuẩn tại Khoản 2 Điều 164 và Khoản 3 Điều 165. Đây là các khái niệm mới nhưng không quy định giao cho cơ quan nào có trách nhiệm tổ chức xác định vùng giá trị này”, bà Hảo gợi ý.
Nhất trí với đề xuất nêu trên của Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) nhấn mạnh, vấn đề bỏ khung giá quyền sử dụng đất là việc rất nên làm theo Nghị quyết số 18 của Trung ương để giải quyết những bất hợp lý tồn tại lâu nay, làm tắc nghẽn quá trình đền bù, giải tỏa mặt bằng để thực hiện dự án lớn, nhỏ.
“Mong Ban soạn thảo cần có quy định cụ thể về thủ tục, quy trình thực hiện và phương pháp xác định giá quyền sử dụng đất để rũ bỏ khung giá quyền sử dụng đất nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, tiện lợi và hiệu quả. Đồng thời, cần quy định rõ chức năng, vai trò và nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định giá quyền sử dụng đất”, ông Trí kỳ vọng.
Cũng đánh giá cao điểm mới này, đại biểu Trần Đình Văn (Lâm Đồng) nhận xét, Dự thảo Luật đã thể chế hóa chủ trương của Đảng về bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất, trách nhiệm của cơ quan xác định giá đất, thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ chuyển trọng tâm từ phương thức quản lý nặng về hành chính sang sử dụng các công cụ kinh tế được quản lý, điều tiết các quan hệ đất đai. Đây là chủ trương lớn, có tính đột phá, nhiều điều quan trọng xác lập về mặt pháp lý, cơ chế, phương pháp xác định giá theo nguyên tắc thị trường.
Cần có cách tiếp cận toàn diện
Nhận xét về hành lang pháp lý chuyển sang xác định giá đất phù hợp với giá thị trường đại biểu Trần Đình Văn lưu ý, những quy định về vấn đề này trong Dự thảo Luật vẫn còn khá đơn giản, sơ lược, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
“Việc hoàn thiện cơ chế xác định giá đất cần có cách tiếp cận toàn diện, trong đó quan tâm đến các vấn đề có tính nguyên tắc, chặt chẽ, đầy đủ về nguyên tắc, nội dung, quy trình, thủ tục công khai, minh bạch thông tin, trách nhiệm giải trình trong tổ chức thực hiện… nhằm hoàn thiện hơn nữa cơ chế xác định giá đất trong Dự thảo Luật theo Nghị quyết số 18”, ông Văn đề nghị.
Về nguyên tắc, phương pháp định giá đất, đại biểu Văn cho rằng, đây là một nội dung có ý nghĩa then chốt quyết định đến việc xác định được giá đất theo nguyên tắc thị trường nhưng Dự thảo Luật chưa có quy định cụ thể về phương pháp định giá đất. Theo đó, vị đại biểu này đề nghị, Dự thảo Luật cần có quy định mang tính nguyên tắc về vấn đề này đảm bảo khi xác định giá đất theo phương pháp nào thì cũng ra kết quả phù hợp với giá thị trường.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) thì lưu ý, khi bỏ khung giá đất thì bảng giá đất, giá đất cụ thể tăng thì người sử dụng đất sẽ phải trả tiền thuế, phí, tiền sử dụng đất nhiều hơn. Giá đất tăng sẽ làm cho giá bất động sản tăng nên khả năng tiếp cận sở hữu nhà đất của người có thu nhập thấp, người yếu thế sẽ khó khăn. Do vậy, đề nghị Dự thảo Luật cần có quy định cụ thể về giảm tỷ suất thuế và có cơ chế để tiếp tục phát triển chính sách nhà ở xã hội đối với người có thu nhập thấp và người yếu thế.
Trước đó, cho ý kiến về nội dung này tại Dự thảo Luật trong phiên thảo luận ở Quốc hội sáng cùng ngày, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cũng đề nghị nghị cần phải quy định, thể chế thật kỹ về tiêu chí, các điều kiện, các căn cứ về cứ pháp lý, căn cứ vào thực tiễn, những cơ sở để tham khảo, hội đồng định giá như thế nào, các thành phần như thế nào để đảm bảo định giá sát với giá thị trường.
Làm rõ thêm một số vấn đề tham gia ý kiến tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, tài chính đất đai là vấn đề hết sức quan trọng.
“Nếu xác định được vấn đề định giá đất sẽ thực hiện được rất nhiều công việc cụ thể để ổn định thị trường, xác định trách nhiệm đóng góp về mặt tài chính của người sử dụng đất. Các thông tin đều được số hoá đất đai, thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu về bản đồ địa chính. Việc định giá đất sát với giá thị trường sẽ tránh tình trạng lãng phí, đầu cơ và thổi giá”, ông Hà nói.
Theo Baodauthau