Không khí trầm lắng đang bao trùm thị trường bất động sản, theo đó, hoạt động thanh khoản chậm hơn giai đoạn trước. Chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản đang điều chỉnh theo chu kỳ nhưng không tồi tệ đến mức “đóng băng”.
Bất động sản giảm theo chu kỳ
Trong 6 tháng đầu năm nay, thị trường bất động sản đã trải qua nhiều biến động. Đặc biệt, khi có sự can thiệp của các cơ quan chức năng trước tình trạng tăng giá bất thường tại nhiều khu vực, động thái kiểm soát thị trường này đã tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản.
Bà Đỗ Thu Hằng – Giám đốc cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội nhận định, đà tăng giá của thị trường bất động sản đã có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân là do mức giá ở một số dự án đang đứng ở mức cao. Điều này ảnh hưởng đến tính thanh khoản, dòng tiền, hoạt động đầu tư. Cùng với đó, các động thái như kiểm soát tín dụng bất động sản, hạn chế tách thửa tại một số địa phương hay tăng cường chống thất thu thuế đang tác động vào thị trường bất động sản.
“Thị trường bất động sản luôn đi theo một quy luật, 10 năm tăng gấp 3 lần. Tức là khi bỏ vốn vào bất động sản phải xác định đầu tư dài hạn và không phải mua theo phong trào. Những nhà đầu tư này trung hạn trong khoảng thời gian 3 – 5 năm, họ sẽ chọn lúc thị trường khó khăn, đi xuống để bỏ tiền đầu tư. Còn với những nhà đầu tư lướt sóng, họ luôn có xu hướng chọn đầu tư khi thị trường đang lên”, bà Hằng nói.
Sau 3 năm tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường bất động sản đang bước vào giai đoạn điều chỉnh. Thời điểm này có thể là nỗi ám ảnh của các nhà đầu tư trước đó nhưng lại là cơ hội của những nhà đầu tư mới vào cuộc. Nếu đầu tư giai đoạn này, nhà đầu tư sẽ có cơ hội mua được bất động sản với giá rẻ. Và cũng nếu thị trường sớm phục hồi trở lại, nhà đầu tư có thể kiếm lời ngay khi giá đất tăng.
Tuy nhiên, rủi ro khi đầu tư vào giai đoạn suy thoái cũng rất lớn. Mặc dù thị trường bất động sản diễn biến theo chu kỳ nhưng thời gian của mỗi chu kỳ hay thậm chí mỗi giai đoạn là hoàn toàn khác nhau. Nếu sự phục hồi diễn ra chậm, rủi ro chôn vốn là rất lớn.
Sẽ không tồi tệ đến mức “đóng băng”
Ông Phạm Đức Toản – Tổng giám đốc EZ Property cho rằng, hiện tại, áp lực lớn nhất là các chủ đầu tư sử dụng vốn vay, trong khi hoạt động phát hành trái phiếu cũng đang bị kiểm soát chặt. Nguồn tài chính tự có và huy động từ khách hàng thì không đủ. Do đó, không thể triển khai được dự án, dẫn đến nguồn cung suy giảm.
Trong khi đó, nhiều người vay mua nhà hiện cũng đang gặp khó do ngân hàng không còn room, điều này khiến lực cầu trên thị trường suy giảm. Trong khi đó, giá nhà đã tăng rất cao trong giai đoạn vừa qua.
“Tôi cho rằng, giá bất động sản có thể sẽ giảm trong thời gian tới. Những nhà đầu tư đã ôm hàng ở đỉnh gặp áp lực tài chính sẽ có xu hướng giảm giá hoặc bán cắt lỗ. Giá bất động sản sẽ có xu hướng đi xuống, tuy nhiên biên độ xuống không nhiều vì nguồn cung đang hạn chế”, ông Toản nhận định.
Ông Toản cho rằng, thị trường bất động sản trong hai tháng vừa qua lộ rõ sự hạ nhiệt và càng ngày sẽ càng rõ ràng hơn. Tuy nhiên, thị trường sẽ không đến mức tồi tệ là đóng băng.
Đồng quan điểm đó, chuyên gia kinh Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thị trường giai đoạn 2009 – 2010 và thời điểm hiện tại đã rất khác nhau. Giai đoạn trước, bong bóng bất động sản đã hình thành ở nhiều phân khúc, từ đó làm cho hoạt động bị trì trệ, giá vẫn cao, trong khi giao dịch gần như không có. bất động sản khi không bán được rơi vào tình trạng đình trệ, hạ giá. Thậm chí đến nay chúng ta vẫn chưa khắc phục xong hệ quả của bong bóng bất động sản xảy ra từ những năm 2008-2009. Đơn cử như ở Bắc Giang, hai bên đường đến nay vẫn còn những dãy nhà xây từ giai đoạn đó bỏ không, xuống cấp.
Trong khi, thị trường giai đoạn hiện nay chưa đến mức có bong bóng, cũng chưa có khả năng dẫn đến tình trạng trì trệ quá, thậm chí đóng băng mặc dù cũng có tình trạng giá bất động sản tăng nóng nhưng không tăng cao so với giai đoạn trước.
Ông Phan Công Chánh – chuyên gia tài chính bất động sản cho rằng, quy mô thị trường hiện nay gấp 4-5 lần so với trước. Hơn nữa, giữa hai giai đoạn, thị trường cũng đã trải qua 3-4 chu kỳ tăng trưởng, đóng băng. Số lượng nhà đầu tư trưởng thành qua các đợt khó khăn đã nhiều lên, họ đã rút ra được nhiều bài học để có sự điều chỉnh hướng đến hiệu quả đầu tư cao nhất.
Bên cạnh đó, khung pháp lý của thị trường, sự quản lý và chính sách của nhà nước trải qua thời gian ngày càng hoàn thiện, giúp cho thị trường minh bạch, bền vững hơn. Do đó, khó khăn hiện tại của một thị trường đã cứng cáp, trưởng thành sẽ khác hẳn với khó khăn của thị trường còn non trẻ giai đoạn trước.
Theo Nhipsongkinhte