Sáng 2/11, tại thị xã Cửa Lò, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Các đồng chí: Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Thu Hường – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Lê Đức Cường – Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Bùi Thanh An – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Kim Chi – Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban xây dựng Đảng, Ủy ban Kiểm tra và Văn phòng Tỉnh ủy; đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội cấp tỉnh; Thường trực Thị ủy Cửa Lò; đại diện lãnh đạo các huyện, thành, thị và đảng ủy trực thuộc…
Cơ cấu ngành du lịch chuyển dịch theo hướng ngày càng chuyên nghiệp
Trình bày Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ nêu rõ: Trong 5 năm qua, hướng tới xây dựng các sản phẩm mang thương hiệu du lịch Nghệ An dựa trên lợi thế nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa có giá trị nổi bật, tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp: Quy hoạch Bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn gắn với phát triển du lịch; từng bước đa dạng hóa dịch vụ du lịch ở thị xã Cửa Lò và các huyện ven biển.
Tỉnh đã kêu gọi đầu tư được các dự án du lịch có quy mô và đẳng cấp, chất lượng cao: Tổ hợp vui chơi giải trí và cáp treo Vinpearl Cửa Hội giai đoạn II; tổ hợp khách sạn và biệt thự nghỉ dưỡng Bãi Lữ của Tập đoàn Tân Á Đại Thành; Khu du lịch văn hoá thuộc Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh,…
Vai trò của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương được định hình, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Cơ cấu ngành du lịch ngày càng chuyển dịch theo hướng chuyên nghiệp, đa dạng, chất lượng và bền vững. Hoạt động liên kết phát triển du lịch ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả nhằm gắn Nghệ An vào chuỗi các sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng.
Hoạt động du lịch duy trì được mức tăng trưởng khá ổn định trong giai đoạn 2017-2019, tốc độ tăng trưởng khách quốc tế bình quân giai đoạn đạt 26,1%. Tuy nhiên, năm 2020 ngành du lịch gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến lượng khách biến động, giảm sâu dẫn đến không đạt được mục tiêu về lượt khách và tổng thu từ du lịch đã đề ra.
Đồng thời, trong báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng; sản phẩm du lịch tuy đã cải thiện nhưng chưa tạo bước đột phá, chưa có sản phẩm tạo thương hiệu đặc trưng cho du lịch Nghệ An; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh với các dự án tầm cỡ.
Kết cấu hạ tầng có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch; hợp tác, liên kết giữa Nghệ An với các nước trong khu vực chưa mang lại hiệu quả mong muốn. Liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương cấp huyện với các doanh nghiệp lớn còn hạn chế, chưa có tính bền vững. Hoạt động xúc tiến, quảng bá chưa có chiều sâu và trọng tâm, trọng điểm, sức lan tỏa chưa cao.
Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu chuyên nghiệp, công tác quản lý nhà nước về du lịch có mặt chưa bao quát hết phạm vi địa bàn; công tác an toàn, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được bảo đảm.
Đổi mới, nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch
Về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong những năm tới, hội nghị thống nhất mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 thu hút từ 6,0 – 6,3 triệu lượt khách du lịch có lưu trú, trong đó có 300 ngàn lượt khách quốc tế; doanh thu đạt 11.000 tỷ đồng. Đến năm 2030 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác; Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ và là điểm đến hấp dẫn của cả nước.
Để đạt được mục tiêu đề ra cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đổi mới tư duy về phát triển du lịch. Bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững. Từng bước cơ cấu lại các sản phẩm du lịch theo hướng phát triển có trọng tâm, trọng điểm và nâng cao chất lượng trên cơ sở xây dựng sản phẩm đặc thù mang thương hiệu du lịch Nghệ An.
Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, mở rộng thị trường khách du lịch. Xây dựng nguồn nhân lực ngành du lịch đáp ứng các yêu cầu phát triển trước mắt và lâu dài; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch trong xây dựng và quy hoạch du lịch, quản lý tài nguyên, môi trường, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn…
Tại hội nghị, các đại biểu đã có ý kiến tham luận xung quanh các vấn đề: Hướng đi mới cho du lịch sinh thái và cộng đồng; phát triển du lịch trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; phát huy giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch; phát huy vai trò điều phối khách du lịch của thành phố Vinh; định hướng phát triển giảm tính mùa vụ trong hoạt động du lịch biển; đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông và nâng cao chất lượng vận tải hành khách để thu hút khách du lịch…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy biểu dương một số kết quả lớn đã đạt được, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW. Từ đó, đề nghị các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội cần tập trung thực hiện kịp thời, có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu, đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ và là điểm đến hấp dẫn của cả nước.
Trước hết, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội, các cấp, ngành về định hướng của Đảng, Nhà nước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tăng cường sự kết nối tài nguyên du lịch để thu hút du khách, tạo nên tính liên hoàn, khép kín, hạn chế sự xé lẻ, cắt khúc tài nguyên. Qua đó, thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên để phục vụ phát triển kinh tế du lịch.
Tiếp đến, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông vận tải để thúc đẩy du lịch phát triển; tăng cường quảng bá, thu hút đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực, trang bị , trau dồi kỹ năng làm du lịch, hình thành văn hóa làm du lịch để du khách hài lòng.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, các ban, ngành và địa phương cần ban hành cơ chế khuyến khích, hỗ trợ người làm du lịch. Đặc biệt là thực hiện giải quyết xung đột giữa hoạt động kinh tế du lịch với các ngành khác như công nghiệp, xuất nhập cảnh, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo tồn các giá trị truyền thống.
Đồng thời, hỗ trợ, kết nối thông tin cho doanh nghiệp; bảo trợ việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Quan tâm xây dựng chiến lược phát triển du lịch Nghệ An với tầm nhìn dài hạn, chú ý việc đánh giá kết quả và tổ chức khai thác tài nguyên một cách hợp lý, hiệu quả.
Điều quan trọng nữa là việc đổi mới toàn diện, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của ngành du lịch, bên cạnh việc linh hoạt trong việc phục vụ du khách cần chủ động dẫn dắt, định hướng thị hiếu của khách du lịch. Tăng cường kết nối thông tin, kết nối thị trường du lịch trong và ngoài nước để thu hút du khách đến với Nghệ An…
Dịp này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen cho 8 tập thể và 7 cá nhân có thành tích trong công tác chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW.
Theo Baonghean