Kỳ Sơn là huyện miền núi cao biên giới đặc biệt khó khăn, nằm phía Tây tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 250 km. Có diện tích tự nhiên 209.484 ha, với 203.409 km đường biên giới tiếp giáp với 4 huyện, 3 tỉnh của nước CHDCND Lào; toàn huyện có 21 xã, thị trấn, trong đó có 11 xã biên giới.
Với truyền thống vẻ vang của quê hương Kỳ Sơn, cùng với khát vọng vươn lên của nhân dân trên nền tảng những thành tựu và kinh nghiệm đạt được trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, Chính quyền, Lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc huyện Kỳ Sơn sẽ tiếp tục đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 23 đã đề ra, xây dựng Kỳ Sơn ngày càng phát triển, văn minh.
Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Chính quyền, Lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc huyện Kỳ Sơn đã khắc phục mọi khó khăn, thử thách, năng động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ nội lực, khai thác tối đa ngoại lực để xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Kinh tế tiếp tục có bước phát triển tích cực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, sản xuất nông lâm nghiệp bước đầu có những hướng đi mới, phát huy thế mạnh của địa phương như: trồng cây dược liệu, phát triển mạnh đàn gia súc… Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm thực hiện có kết quả. Thương mại, dịch vụ phát triển hơn, các mặt hàng thiết yếu được phân phối, lưu thông đến tận các xã vùng sâu, vùng xa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân.
Giáo dục đào tạo có nhiều tiến bộ, 100% xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi; huyện đạt chuẩn mức độ 2 về phổ cập giáo dục trung học cơ sở, mức độ 3 về tiểu học. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Các chính sách xóa đói, giảm nghèo, chính sách dân tộc, miền núi được triển khai tích cực, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo qua từng năm. Các giá trị về lịch sử, bản sắc văn hóa các dân tộc được quan tâm bảo tồn, phát huy.
Các hoạt động đối ngoại Đảng, đối ngoại Chính quyền, đối ngoại nhân dân với các địa phương của nước bạn Lào có chung đường biên giới được duy trì thường xuyên. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền ngày càng được nâng lên.
Những kết quả của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Kỳ Sơn đạt được trong hơn 60 năm qua, nhất là việc ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, giữ yên biên giới có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, tạo thuận lợi để tỉnh nhà có điều kiện tập trung phát triển kinh tế – xã hội; đồng thời là tiền đề, động lực to lớn để huyện Kỳ Sơn tiếp tục phát triển toàn diện hơn trong thời gian tới.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vi Hoè, Bí thư Huyện uỷ Kỳ Sơn cho biết: Sáu tháng đầu năm 2022 Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kỳ Sơn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, nhất là trong quý I/2022; bên cạnh đó, thời tiết không thuận lợi, hạn hán xảy ra ở nhiều nơi ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng, tài sản của nhân dân, dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn; cuộc xung đột Nga – Ukaraina làm cho giá nhiên liệu, xăng dầu tăng cao, kéo theo giá nguyên liệu, hàng hoá cơ bản tăng. Đứng trước bối cảnh đó, cả hệ thống chính trị của Huyện đã tập trung cao trong công tác phòng, chống dịch; các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh… Bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân, Kỳ Sơn đã đạt được những kết quả nhất định.
Giá trị sản xuất ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2022 đạt 767.111 triệu đồng (tính theo giá so sánh năm 2010), tốc độ tăng trưởng 3,26 % so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: Giá trị sản xuất ngành Nông, lâm, thủy sản 226.240 triệu đồng tăng 0,78 %, Công nghiệp – Xây dựng 180.109 triệu đồng tăng 3,43 %, Dịch vụ 360.742 triệu đồng tăng 4,79 %. Thể hiện sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt kịp thời các cấp chính quyền, sự nỗ lực của người dân và doanh nghiệp trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát từ đầu năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người 6 tháng ước đạt 31,13 triệu đồng/người/năm.
Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng khá; thu ngân sách vượt xa so với cùng kỳ năm trước; các lĩnh vực văn hoá, xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân được bảo đảm; quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Để phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, đồng chí Vi Hoè, Bí thư Huyện uỷ Kỳ Sơn cho biết thêm: Từ nay đến cuối năm 2022 và trong những năm tiếp theo, Đảng bộ, Chính quyền, Lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc huyện Kỳ Sơn cần tiếp tục đổi mới, chủ động, sáng tạo; tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Trong đó, huyện tiếp tục tập trung thực hiện giữ vững 03 yên, đó là: yên dân, yên địa bàn và yên biên giới; tập trung thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Kỳ Sơn lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, khó khăn để xây dựng huyện nhà thực sự vững mạnh toàn diện.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các Quy hoạch một cách toàn diện, khoa học, phù hợp với yêu cầu phát triển và đặc thù, đặc trưng vùng miền, văn hóa địa phương. Đặc biệt, tập trung sớm hoàn thành Quy hoạch sử dụng đất của huyện đến năm 2030. Quy hoạch các vùng nông nghiệp sạch, tự nhiên, công nghệ cao; các vùng dược liệu dưới tán rừng; vùng du lịch sinh thái – mạo hiểm gắn với khai thác tiềm năng Đỉnh Pù Xai Lai Leng – Na Ngoi; các vùng cảnh quan tự nhiên, khí hậu đặc biệt như: Mường Lống, Nậm Cắn; Mở rộng thị trấn Mường Xén kết nối các vùng trọng điểm của huyện; đẩy mạnh giao đất gắn với giao rừng đến hộ gia đình, người dân…làm cơ sở cho chiến lược phát triển dài hạn, bền vững của huyện trong thời gian tới; tăng cường quản lý đối với các quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời lựa chọn thứ tự ưu tiên và lộ trình thực hiện phù hợp, hiệu quả.
Tăng cường thu hút đầu tư trên các lĩnh vực; khuyến khích, thu hút các nguồn lực đầu tư vào phát triển nông lâm nghiệp, nông thôn nhất là các sản phẩm thế mạnh của huyện. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện các đề án phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và đẩy mạnh các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác xã, làng nghề trong sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị gia tăng đối với các sản phẩm có lợi thế của huyện như: gà đen, lợn đen, bò, dê; tẻ thơm Na Loi… Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm theo Chương trình OCOP mỗi xã ít nhất 01 sản phẩm đặc trưng, có thương hiệu.
Chăm lo phát triển sự nghiệp văn hóa – xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú gắn với xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa trong thời đại hội nhập và phát triển. Nâng cao chất lượng giáo dục, dạy nghề; chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Làm tốt công tác chính sách, an sinh xã hội, nhất là chăm lo cho người nghèo, gia đình có công.
Tăng cường công tác giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động. Quan tâm bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương gắn với đa dạng hóa hình thức quảng bá, giới thiệu phù hợp, hiệu quả.
Tăng cường giữ mục tiêu đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, các hành vi vi phạm pháp luật. Tăng cường thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ cơ sở; định kỳ tổ chức đối thoại với nhân dân. Giải quyết kịp thời những bức xúc của người dân ngay từ cơ sở, không để trở thành điểm nóng. Giữ vững an ninh chính trị, an ninh biên giới, an ninh dân tộc, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt với các địa phương giáp biên giới của nước bạn Lào, thường xuyên duy trì các hoạt động thăm thân, giao lưu, giúp đỡ nhân dân các bộ tộc Lào; thực hiện có hiệu quả phong trào kết nghĩa bản với bản, đồn với đồn hai bên biên giới Việt – Lào; phối hợp thực hiện công tác quản lý, tuần tra bảo vệ mốc giới, đường biên, đảm bảo toàn vẹn chủ quyền biên giới quốc gia.
Tiếp tục tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch vững mạnh. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, hoạt động của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân gắn với làm tốt công tác cán bộ, giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Làm tốt công tác nắm bắt tình hình, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội, tạo sự đoàn kết trong Đảng, đồng thuận trong nhân dân…/.
Theo Kyson.nghean.gov.vn